Một số kiểu biến thường dùng:

  • int: lưu trữ số nguyên, chẳng hạn như 123 hoặc -123
  • double: lưu trữ số thập phân, chẳng hạn như 19.99 hoặc -19.99
  • char: lưu trữ ký tự đơn lẻ, chẳng hạn như 'a' hoặc 'B'. Giá trị char (ký tự) được bao quanh bởi hai dấu nháy đơn ''
  • string: lưu trữ văn bản, chẳng hạn như "Hello World". Giá trị string (chuỗi) được bao quanh bởi hai dấu nháy kép ""
  • bool: lưu trữ giá trị có hai trạng thái true (đúng) hoặc false (sai)

1/ Khai báo biến

Để khai báo biến, các em dùng cú pháp sau đây:

kiểu-dữ-liệu tên-biến = giá-trị;

  • kiểu-dữ-liệu: int, double, char, string, bool... (các em sẽ được học kỹ hơn trong một bài khác ở sau)
  • tên-biến: bien1, bien2, x, y...
  • giá-trị: tùy vào kiểu-biến

Ví dụ khai báo biến myNum kiểu int:

int myNum = 15;
cout << myNum;

Ví dụ khai báo biến kiểu khác:

double myDoubleNum = 5.99;
char myLetter = 'D';
string myText = "Hello";
bool myBoolean = true;

Các em cũng có thể khai báo một biến mà không cần gán giá trị và chỉ định giá trị sau.

Ví dụ:

int myNum;
myNum = 15;
cout << myNum;

Lưu ý rằng nếu các em gán giá trị mới cho một biến hiện có, nó sẽ ghi đè lên giá trị trước đó.

Ví dụ:

int myNum = 15;  // myNum bằng 15
myNum = 10;  // bây giờ myNum bằng 10
cout << myNum;  // xuất ra kết quả là 10

Lưu ý: khi đặt tên biến, có phân biệt chữ hoa và chữ thường

Ví dụ: int myNum; khác với int mynum;

2/ Khai báo nhiều biến

Để khai báo nhiều biến cùng kiểu, danh sách biến được phân tách bằng dấu phẩy ,

Ví dụ:

int x = 1, y = 2, z = 5;
cout << x + y + z; // xuất ra kết quả là 8

3/ Định Danh

Tất cả các biến C++ phải được xác định bằng các tên duy nhất.

Những tên duy nhất này được gọi là định danh (identifier).

Định danh có thể là những tên ngắn như x, y... hoặc những tên dài và mang tính mô tả như tenHocsinh, lop, khoi...

Các em nên sử dụng tên mang tính mô tả để viết mã dễ hiểu và có thể bảo trì trong tương lai:

Ví dụ:

// Nên
int phut = 60;
// Không sai, nhưng không nên
int p = 60;

Các quy tắc để đặt tên biến là:

  • Tên có thể chứa các chữ cái (A → Z, a → z), chữ số (0 → 9) và dấu gạch dưới _
  • Tên phải bắt đầu bằng chữ cái hoặc dấu gạch dưới _
  • Tên phân biệt chữ hoa chữ thường (myVar và myvar là các biến khác nhau)
  • Tên không được chứa khoảng trắng hoặc các ký tự đặc biệt như !, #, %...
  • Các từ dành riêng (như từ khóa của C++, chẳng hạn như int, char...) không được sử dụng làm tên

4/ Hiển thị biến

Đối tượng cout được sử dụng cùng với toán tử << để hiển thị các biến.

Để hiển thị kết hợp văn bản và biến, hãy dùng toán tử <<.

Ví dụ:

int myAge = 15;
cout << "Toi " << myAge << " tuoi."; // ket qua la Toi 15 tuoi.

5/ Hằng

Khi các em không muốn ghi đè các giá trị của biến hiện có, hãy sử dụng từ khóa const (từ khóa này sẽ khai báo biến là "hằng số", có nghĩa là không thể thay đổi và chỉ đọc).

Ví dụ:

const int myNum = 15;  // myNum se luon luon bang 15
myNum = 10;  // loi: gan cho bien chi doc 'myNum'

Các em nên luôn khai báo biến là hằng số khi các giá trị không có khả năng thay đổi.

Ví dụ:

const int phut = 60;
const int gio = 24;
const double PI = 3.14;